Địa bàn của Cốm Tú Lệ
Tú Lệ là một xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Thung lũng Tú Lệ được vây quanh bởi ba ngọn núi: Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt to tròn, trắng trong với hương thơm đặc biệt.
Tháng 10 đến, ở Tây Bắc, dưới chân đèo Khau Phạ, lúa nếp non trên những thửa ruộng bậc thang Nà Loóng, Pom Ban, Bản Côm, Púng Xổm… của xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn hay ở các bản Lìm Mông, Lìm Thái của xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải đã cắt gần xong, người dân cũng hối hả giã cốm.

Truyền thuyết về loại gạo quý
Theo truyền thuyết xưa kể lại rằng, người Thái được một vị tiên cho một coóng thóc quý và dặn phải tìm được mảnh đất phù hợp thì thóc mới mọc và cho nhiều gạo dẻo thơm. Người Thái đi khắp vùng Tây Bắc, đến nơi nào thấy đất tốt cũng gieo trồng thử nhưng hạt thóc không nảy mầm.
Khi tới chân đèo Khau Phạ, họ xuống suối Mường Lùng uống nước, thấy dòng nước mát trong và ngọt lịm, đất trong thung lũng tươi tốt lạ lùng. Gieo hạt giống xuống thấy nảy mầm xanh tốt và cho gạo dẻo thơm. Thế là người Thái dừng lại, cất nhà dựng bản và trồng lúa nếp từ thuở ấy…

Điều đặc biệt chỉ có ở cốm Tú Lệ
Cốm Tú Lệ không giống với cốm làng Vòng Hà Nội hay cốm tại nơi khác. Tuy cùng là giống nếp tan nhưng cốm có mùi vị đặc trưng khác hẳn. Nguyên nhân là do được thừa hưởng tinh hoa của đất trời. Khí hậu vùng Tây Bắc quanh năm mát mẻ, chênh lệch biên độ ngày và đêm tương đối lớn. Do đó, lúa ở đây được tích năng lượng cao, mang lại cho hạt cốm một vị thơm ngon xao xuyến lòng người.
Theo nghiên cứu khoa học, lúa được gieo trồng trên một nền đất hiếm tơi xốp, tầng phong hóa mỏng, dễ thấm nước và có nồng độ Kali cao. Cánh đồng lúa Tú Lệ lại nằm gọn giữa 3 ngọn núi cao nên ở đây có biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày. Đây là yếu tố quan trọng làm tăng mạch tinh bột Aminotecpin, quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo. Giống lúa Nếp Tú Lệ có thời gian sinh trưởng từ 145 – 150 ngày, được gieo cấy 01 vụ/năm, ít bị nhiễm sâu bệnh, số hạt/bông 115 – 135 hạt/bông, bông hữu hiệu/khóm 4 – 7 bông.
Gạo nếp Tú Lệ có hàm lượng tinh bột, đạm, protein và chất xơ cao, giúp bổ sung năng lượng tuyệt đối cho cơ thể. Ngoài ra, sản phẩm còn chứa hàm lượng rất cao chất chống oxy hóa anthocyanin – một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác.


Nếp Tú Lệ có hạt to tròn, trắng trong, khi được đồ thành xôi có vị dẻo, thơm đặc biệt; còn khi chế biến thành cốm lại có hương vị ngọt ngào, thanh mát.Hạt cốm Tú Lệ mang một màu xanh đậm đặc biệt mà không loại cốm nào có thể lẫn được. Cốm Tú Lệ được chắt lọc từ những tinh túy của đất, trời cùng với sự mộc mạc thô sơ của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Cốm Tú Lệ không chỉ là tinh hoa của đất trời, mà còn có cả tình yêu, hồn đất, hồn người gửi gắm vào trong đó. Vì vậy cốm ở nơi đây là đặc sản có một không hai của núi rừng Tây Bắc.
Nếp Tú Lệ có một điểm đặc biệt là dùng để đồ xôi, lúc thưởng thức bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được hương vị ngọt thơm và dẻo, rời ra từng hạt chứ không dính kết với nhau như đa phần các loại nếp thông thường khác.
Ngoài thổi xôi, gạo nếp Tú Lệ dùng để làm cốm, gói bánh chưng, giã bánh dày, nấu chè hay chế biến các món bánh cũng đặc biệt thơm ngon. Rượu cần làm bằng nếp Tú Lệ thì ngon không thứ gì sánh nổi.
Cốm Tú Lệ vào mùa…
Cốm Tú Lệ là món quà quê bình dị đến từ những thửa ruộng bậc thang của người dân vùng Tây Bắc. Hạt cốm xanh màu lúa, tròn mây mẩy, vị ngọt bùi và thơm nức mùi lúa non. Khách đường xa có dịp ghé chân ăn thử đặc sản cốm Tây Bắc đều không khỏi nhớ thương hương vị dẻo thơm của món cốm xanh cuốn hút này.
Vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 là mùa cốm xanh Tú Lệ. Đây là thời điểm những bông lúa nếp trên vùng đất Tú Lệ đang trong thời kỳ uốn câu, đầu hạt vẫn còn sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt gạo chưa chín hết.

Quy trình để tạo nên hạt cốm dẻo thơm
Để làm ra những hạt cốm còn giữ nguyên được hương vị đậm đà, thơm dịu đầy sức quyến rũ mang nét đặc trưng của vùng cao Yên Bái, bà con người dân tộc Thái nơi đây đã phải rất công phu.
Khi lúa khum ngọn, hãy còn nguyên hương sữa thì cũng là lúc gặt đem về làm cốm. Bà con phải hái những bông lúa từ khi còn sớm, hạt lúa còn đẫm sương đêm, mang về tuốt, sau đó rang ngay, nếu để cách ngày mới rang thì hạt cốm không còn xanh ngon nữa. Bởi thế, khi trời mới tờ mờ sáng, người dân Tú Lệ đã ra đồng hái lúa, mang về tuốt và rang cốm.










Cốm Tú Lệ đã trở thành một mặt hàng thương phẩm được nhiều thực khách xa gần ưa chuộng, trở thành món quà quê để mọi người gửi biếu bạn bè, người thân.
Hiện người dân của các thôn bản trong xã Tú Lệ đều sản xuất cốm. Trung bình một ngày, mỗi gia đình ở bản Nà Lóng làm được khoảng 20kg cốm với giá bán 100.000 đồng/kg. Đây là một nguồn thu nhập chính, giúp cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng cải thiện.
Cốm cũng đã trở thành biểu tượng văn hóa của Tú Lệ, để mỗi độ thu sang hương vị của nếp rừng Tan Lả lại lan tỏa khắp mọi miền, làm nên thương hiệu của mảnh đất vùng cao Yên Bái.
Trên đây là những chia sẻ của STK Travel, mong rằng có thể giúp cho bạn hiểu thêm được phần nào về nguồn gốc và các công đoạn làm nên cốm Tú Lệ. Để được chiêm ngưỡng tận mắt cốm Tú Lệ, bạn có thể đi vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 vì đây là thời điểm cốm đang vào mùa. Đặc biệt hơn là mùa lúa Mù Cang Chải, chúc bạn có một chuyến đi thật ý nghĩa và nhiều trải nghiệm thú vị nhé!
Ảnh minh hoạ: info.net
Admin.